Trước hết, việc giữ hay bỏ thai là quyền của người mang thai. Với trường hợp của bạn, cần cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến của người thân và cả người yêu cũng như gia đình họ rồi đưa ra quyết định. Bác sĩ làm chuyên môn chỉ có thể giúp tư vấn về những vấn đề có thể đến với sức khỏe, chứ không thể đưa ra quyết định thay bạn và gia đình được.
Đối với vấn đề nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, hiện rất nhiều trường hợp cũng chung hoàn cảnh như bạn. Thống kê cho thấy, hàng năm, Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong số này, 30% là phụ nữ từ 15 đến 19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên.
Việc gia tăng tỷ lệ có thai ở tuổi vị thành niên là do những yếu tố khách quan và chủ quan của cuộc sống hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ quan hệ tình dục sớm ngày càng nhiều.
Các cô gái trẻ nhận được các thông tin về quan hệ tình dục chủ yếu từ mạng xã hội và phim ảnh, trong khi việc được giáo dục từ gia đình và nhà trường rất ít và kém hiệu quả.
Điều này làm cho trẻ vị thành niên quan hệ tình dục mà chưa được giáo dục kỹ về phương pháp quan hệ an toàn và các biện pháp tránh thai. Các thông điệp tránh thai đang tập trung nói đến cặp vợ chồng mà chưa tập trung cho đối tượng chưa lập gia đình. Những thiếu sót này dẫn đến sự miễn cưỡng hoặc khó khăn khi tiếp cận thông tin về tình dục an toàn và các phương pháp tránh thai cho trẻ nữ vị thành niên.
Trong độ tuổi vị thành niên nếu phá thai sẽ ảnh hưởng lâu dài.
Việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả về sức khỏe, tâm lý và xã hội. Đặc biệt, nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn nhưng đến khi thai to mới quyết định phá. Lúc này, các tai biến càng trầm trọng hơn, đặc biệt là vô sinh sau này. Theo thống kê, 70% phá thai ở tuổi vị thành niên là thai trên 12 tuần.
Hậu quả về sức khỏe
Rối loạn kinh nguyệt là hệ quả tương đối thường gặp, ngoài ra còn sót rau phải nạo hút lần hai, sang chấn tử cung như thủng, rách cổ tử cung… Ngoài ra, trẻ sau nạo phá thai có thể bị nhiễm trùng, chủ yếu là do thực hiện ở các cơ sở y tế không đủ điều kiện hoặc vô khuẩn kém.
Bên cạnh đó, có thể do giấu giếm gia đình, sau phá thai, trẻ không hoặc ít sử dụng kháng sinh và nội tiết chống dính buồng tử cung. Điều này cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hậu quả sang chấn tâm lý
Các trường hợp sang chấn tâm lý nặng như suy nhược, thậm chí trầm cảm đã được ghi nhận nhiều, thường là những trẻ không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc giấu việc phá thai.
Một số báo cáo ghi nhận tại Phần Lan và Nhật Bản cho thấy có sự gia tăng tỷ lệ tự tử sau nạo phá thai vị thành niên. Các sang chấn khác như rối loạn lo âu, nghiện rượu và các chất gây nghiện cũng được ghi nhận.
Hậu quả xã hội
Có thai sớm sẽ làm giảm cơ hội học tập và làm việc của phụ nữ trẻ. Điều này có thể khiến họ và con cái của họ rơi vào cuộc sống bấp bênh hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, gánh nặng trực tiếp mà xã hội phải chịu như gia tăng trợ giúp y tế, trợ cấp đói nghèo và gián tiếp tạo ra lao động có trình độ thấp.
Vô sinh thứ phát
Nạo phá thai có thể khiến tổn thương buồng tử cung dẫn đến dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng. Với người nạo phá thai trước khi lập gia đình, sau này, khả năng mang thai tự nhiên cũng thấp hơn. Tỷ lệ vô sinh thứ phát được ghi nhận cao gấp 3-4 lần đối với những người không có tiền sử nạo phá thai. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% trong số các trường hợp vô sinh, trong đó, 95% là sau nạo hút thai.
Vô sinh do tắc vòi trứng hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40% số vô sinh nữ, trong số này có tới 50% là có tiền sử nạo hút thai. Tỷ lệ sẩy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm không có tiền sử nạo hút, do tổn thương cổ tử cung nhất là khi tử cung còn chưa phát triển hoàn thiện để mang thai khi vị thành niên.
Do vậy, để tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, việc giáo dục giới tính cho trẻ cần phải được đầu tư bài bản, có kế hoạch. Đặc biệt, cần phải phối kết hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.