Nếu bạn nghĩ dâm bụt chỉ là loại hoa màu sắc dùng để trang trí, hãy nghĩ lại. Loại cây hoa nhiệt đới này có thể mang đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe. Không chỉ thế, hương vị của nó rất ngon và ngọt ngào, lý tưởng để pha trà.
Chuyên gia dinh dưỡng Beth Czerwony (Mỹ), chia sẻ trên Health Cleveland Clinic một số cách dâm bụt có thể góp phần cho sức khỏe tốt hơn.
Dâm bụt có tốt cho bạn?
Trong hằng trăm năm, con người đã sử dụng hạt, hoa, lá và rễ cây dâm bụt trong ẩm thực và y học cổ truyền. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy mứt, nước sốt, siro và trà dâm bụt ở khắp thế giới.
Nguyên liệu này đặc biệt phổ biến ở Tây Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như vùng Caribe.
Nhắc tới dâm bụt, mọi người thường chỉ nghĩ loại cây này trồng làm hàng rào. (Ảnh minh họa)
Dâm bụt có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là Hibiscus sabdariffa (cây bụp giấm), do có hương vị tươi mát và nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chúng từng được sử dụng để điều trị đủ thứ, từ huyết áp cao tới chứng khó tiêu.
Khoa học hiện đại cũng ủng hộ ý kiến rằng phương thuốc đã được thử nghiệm qua thời gian từ dâm bụt có nhiều lợi ích sức khỏe. Nhưng chuyên gia Czerwony cảnh báo rằng chúng ta cần nghiên cứu thêm để biết chính xác các sản phẩm từ dâm bụt có thể điều trị một số tình trạng nhất định như thế nào.
Một số lợi ích của trà dâm bụt
1. Tác dụng bảo vệ với các chất chống oxy hóa
Cây dâm bụt rất giàu các chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin C và anthocyanin. “Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa thực sự hỗ trợ cho nhiều vấn đề sức khỏe”, chuyên gia Czerwony cho biết.
Chất chống oxy hóa tiêu diệt các phân tử có hại được gọi là gốc tự do trong cơ thể bạn. Các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào góp phần gây ra các bệnh như ung thư, bệnh tim và tiểu đường. Mặc dù cơ thể bạn sử dụng chất chống oxy hóa của riêng mình để chống lại tác hại của các gốc tự do, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Trà dâm bụt có thể mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
2. Chống viêm
Nhiều nghiên cứu trên động vật và một số nghiên cứu nhỏ với con người cho thấy khả năng chống viêm của dâm bụt.
Viêm nhiễm góp phần gây nên nhiều bệnh tật, bao gồm ung thư, hen suyễn, bệnh Alzheimer, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp. Mặc dù cần nghiên cứu thêm, có vẻ như dâm bụt mang tới tác dụng chống viêm hữu ích.
3. Giảm huyết áp
Huyết áp cao tác động tới gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ, dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, suy tim và bệnh thận. Trong thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, uống trà dâm bụt được cho thấy giúp giảm huyết áp ở người.
Tuy nhiên, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Thay thế, Mỹ (NCCIH) chỉ ra rằng dâm bụt và các phương thuốc thảo mộc khác chỉ giúp giảm huyết áp nhẹ. Chúng không thể thay thế thuốc cho những người đã được chẩn đoán bị huyết áp cao.
4. Giảm cholesterol
Cholesterol cao cũng là vấn đề ảnh hưởng tới hàng triệu người lớn và góp phần gây các bệnh nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ. Mặc dù một số nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy dâm bụt giúp hạ mức cholesterol, một số nghiên cứu khác lại khẳng định tác dụng này khá ít.
Chuyên gia Czerwony cho rằng dâm bụt có thể giúp duy trì mức cholesterol lành mạnh nhưng chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn để chắc chắn.
5. Hỗ trợ giảm cân
Một số nghiên cứu cho thấy tác động tích cực tới giảm cân – việc có thể giúp ngăn ngừa béo phì nhưng các nghiên cứu này sử dụng chiết xuất dâm bụt, một dạng cô đặc hơn trà dâm bụt. Chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng ta chưa biết liệu các sản phẩm từ dâm bụt có mang lại kết quả tương tự hay không.
6. Chống vi khuẩn
Trong nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, chiết xuất dâm bụt giúp hạn chế một số loại vi khuẩn nhất định. Mặc dù rõ ràng rằng dâm bụt có khả năng kháng khuẩn, các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về tác dụng này với con người.
7. Hỗ trợ sức khỏe gan
Dâm bụt giúp duy trì sức khỏe gan, theo một số nghiên cứu. Chiết xuất dâm bụt bảo vệ gan khỏi nhiều thứ độc lại, có thể nhờ vào hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ của nó. Thậm chí thử nghiệm trong phòng thí nghiệm còn cho thấy một vài tác động chống ung thư tế bào gan từ loại thảo mộc này.
Canh lá dâm bụt nấu với cua, mướp là món đặc sản ở Ninh Bình. (Ảnh minh họa)
Dâm bụt có an toàn không?
Theo Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), dâm bụt an toàn khi dùng trong ẩm thực. Tuy nhiên, có thể có phản ứng dị ứng khi đụng chạm vào cây. Với liều rất cao, dâm bụt có thể gây hại gan.
“Chắc chắn là bạn có thể thêm dâm bụt vào chế độ ăn uống một cách an toàn”, chuyên gia Czerwony nói. Nhưng bà khuyên nên tư vấn bác sĩ vì loại thực phẩm này có thể tương tác với một số loại thuốc.
Cách tốt nhất để sử dụng dâm bụt là gì?
– Làm trà: Bạn có thể pha trà dâm bụt bằng cách nhúng nụ hoa dâm bụt khô vào nước sôi. Nếu không muốn tự làm, bạn có thể mua sẵn dâm bụt khô hoặc trà dạng túi.
– Bột dâm bụt: Bạn cũng có thể mua dâm bụt dạng bột, thường làm từ các phần cây khô đã được nghiền mịn. Hòa bột này với nước để tạo thành thức uống và thưởng thức.
– Chiết xuất dâm bụt: Chiết xuất dâm bụt là dạng thực phẩm chức năng dạng lỏng cô đặc.
Chuyên gia Czerwony khuyên nên uống trà dâm bụt hơn là dạng bột hay chiết xuất. Trà dâm bụt – dù bạn mua sẵn hay tự ngâm nụ hoa khô – thì đều rẻ và dễ kiếm nhất. Ngoài ra, dạng bột và chiết xuất có thể mạnh hơn, đặc hơn nên bạn dễ nạp liều quá lớn.
“Khi mọi người hỏi tôi về trà dâm bụt, tôi nói rằng mỗi ngày một cốc đồ uống này vừa ngon vừa có thể có lợi cho sức khỏe”, chuyên gia nói.
Một điều đặc biệt có thể bạn không biết, tại Việt Nam còn có một món đặc sản từ dâm bụt. Đó là món canh cua dâm bụt ở Ninh Bình. Để nấu món này, thay vì dùng rau đay hay mồng tơi, người ta chọn lá dâm bụt xanh, nhỏ vừa, rửa sạch và thái nhỏ rồi nấu cùng mướp và nước riêu cua, thêm hành phi thơm. Món này thường ăn với cơm và cà pháo, được rất nhiều người mê.
Đừng coi thường vai trò của cây cối trong nhà. Những loại cây sau đây có thể hoạt động như một máy lọc không khí tự nhiên để hấp thụ các chất gây ô nhiễm không khí và tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho chúng ta.